Top Ads

Quảng cáo (728 x 90)
» » » » » » Câu chuyện của tôi và những 'đám mây'

REIC - Công nghệ điện toán đám mây là một trong những xu hướng tất yếu ở thời điểm hiện nay. “Đám mây” xuất hiện ở khắp mọi nơi, với rất nhiều công ty tham gia thị trường này. Điều đơn giản và cơ bản nhất trong công nghệ điện toán đám mây chính là lưu trữ online. Chúng ta có nhiều nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ online đến nỗi một người có kiến thức sơ lược về công nghệ cũng có thể kể ra trên dưới 1 chục công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ online miễn phí cho một dung lượng nhất định (thường thì ít nhất là 5Gb), trong đó nổi bật nhất là Dropbox, Google Drive, OneDrive, Amazon Cloud Drive, và người khổng lồ Apple cũng vừa mới tham gia thị trường này với cái tên iCloud Drive. Điều đó cho thấy công nghệ điện toán đám mây có sức hút lớn như thế nào. Ở bài này, tôi xin phép không đi quá sâu vào công nghệ điện toán đám mây (vì đã có quá nhiều bài viết về vấn đề này). Tôi chỉ chia sẻ câu chuyện của tôi về những điều mà điện toán đám mây, mà chủ yếu là việc lưu trữ online, đã đem lại cho tôi.

Những nhận thức đầu tiên về lưu trữ đám mây

Nhận thức sớm nhất của tôi về việc lưu trữ online bắt đầu từ khoảng năm 2007, khi biết đến Gmail là một dịch vụ email có dung lượng cho phép lưu trữ khủng khiếp (vào thời điểm đó) – hơn 1 Gigabyte. Xin lưu ý rằng việc lưu trữ online tôi đang nói tới tức là sở hữu một “ổ cứng online” của riêng mình, chỉ một mình mình quản lý và sử dụng, chứ không phải là các dịch vụ lưu trữ cho phép người khác down về, trong đó sự tồn tại của dữ liệu của chúng ta phụ thuộc vào bao nhiêu người download nó về. Nếu các bạn biết rằng ổ cứng của toàn bộ máy tính của tôi lúc đó chỉ là 160GB, nhưng cũng đã thuộc hàng “số má” trong khu vực, thì các bạn sẽ hiểu con số 1GB cho một dịch vụ mà mình đăng ký bao nhiêu tài khoản cũng được là một con số khổng lồ tới mức nào. Và sự thật là thời điểm ấy tôi cũng đã phấn khích đến độ tạo một lúc 10 tài khoản Gmail với hy vọng là sẽ không bao giờ cần phải xóa đi những dữ liệu quý giá của tôi khi ổ cứng báo đầy nữa.

Tuy nhiên, tôi đã sớm thất vọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, tốc độ mạng download thời điểm đó chỉ là 50KBs, và các bạn dễ dàng đoán ra được tốc độ upload của nó sẽ là bao nhiêu. Thứ hai, Gmail chỉ cho phép upload có giới hạn vài chục MB cho một email, vì thế tôi không thể upload một clip dài 100MB của tôi lên đó được. Và cuối cùng, nó là một dịch vụ email chứ không phải là một dịch vụ lưu trữ thuần túy, do đó nếu tôi muốn lưu trữ gì lên đó, tôi phải tạo ra hàng chục lá thư, và điều này thực sự rất rắc rối. Hai vấn đề đầu tiên tôi có thể giải quyết được, tuy nhiên, vấn đề cuối cùng thực sự rất nan giải với tôi.

Gspace trong vai trò của một add-on trong Firefox (Nguồn: Internet)

Mãi đến sau này (tôi không nhớ chính xác thời điểm), khi tôi vô tình biết được một ứng dụng Windows tên Gspace với chức năng biến 1GB lưu trữ email của tôi trở thành 1GB xuất hiện trong ổ đĩa trên máy tính, tôi mới thực sự giải quyết được vấn đề nan giải đó. Và khi đó tôi đã upload, à không, phải nói là “copy với tốc độ thấp” những tài liệu quan trọng của tôi lên đó, vì cách quản lý của nó không khác gì một ổ cứng mở rộng trên máy tính, với một tốc độ thấp hơn kha khá.

Tôi cảm thấy sung sướng với phát hiện của mình, nhưng lại một lần nữa, Google khiến tôi thất vọng. Tôi không biết rằng có sự can thiệp nào của Google vào Gspace hay không, nhưng tôi chỉ biết một điều rằng tôi không bao giờ sử dụng lại dịch vụ này một lần này, chỉ sau một thời gian ngắn biết đến nó. Và một khoảng thời gian dài sau đó, tôi không quan tâm đến việc lưu trữ online nữa, vì giá ổ cứng lúc đó rẻ hơn nhiều, và USB cũng đã trở nên thông dụng đến mức hầu như ai sử dụng máy tính cũng có một chiếc.

Dropbox

Dropbox  là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực lưu trữ online. Tôi biết đến Dropbox trong khoảng thời gian 2008 – 2009 qua một quyển tạp chí về tin học. Dropbox quả là thứ mà tôi tìm kiếm suốt bao nhiêu năm nay với việc cung cấp cho người tiêu dùng một dung lượng lưu trữ online tương đối lớn và cho phép quản lý nó y như quản lý ổ cứng ở nhà mình vậy, nhưng cái cách mà nó xuất hiện khiến tôi không yên tâm khi upload những dữ liệu quý giá của mình lên đó: Nó không phải là sản phẩm của Google, Yahoo hay Microsoft.

Đó thực sự là một sai lầm của tôi khi dự đoán rằng những sản phẩm như Dropbox sẽ không tồn tại lâu do không có nguồn tài chính dồi dào, và những dữ liệu quý giá của tôi sẽ có lúc bị xóa mất. Hơn nữa, nhu cầu về lưu trữ online của tôi khi đó không quá lớn khi USB đã giúp tôi mang toàn bộ dữ liệu quan trọng đi khắp nơi. Hơn nữa, mạng internet của Việt Nam thời điểm đó cũng không có được tốc độ cần thiết cho một “ổ cứng online”.

Dropbox - người tiên phong trong lĩnh vực lưu trữ online (Ảnh: Internet)

Cơn giông kéo tới – bùng nổ những đám mây

Năm 2012, Google đã chính thức tung ra “đám mây” của riêng mình, trên cơ sở gộp chung dung lượng các dịch vụ khác của Google như Gmail hay Google Photo (tiền thân là Picasa Web Album). Đối với cá nhân tôi, điện toán đám mây bây giờ mới bắt đầu. Tuy tiếp cận khá trễ với điện toán đám mây, nhưng tôi lại thực hiện chúng một cách cực kỳ triệt để. Google chính là công ty internet mà tôi tin tưởng nhất, và do đó tôi đã upload toàn bộ những dữ liệu quý giá của tôi lên đó mà không chút băn khoăn. Và tôi cũng tự tạo cho mình một thói quen, đó là khi viết lách một văn bản nào đó hay thiết lập một bảng tính Excel, tôi luôn tạo một file mới trong thư mục Google Drive, và do đó tôi có thể tiếp tục thực hiện công việc của mình ở bất cứ nơi đâu. Thực sự thì Google Drive đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Gmail đã có thể upload một file có dung lượng không giới hạn do dùng chung tài nguyên với Google Drive, các tài liệu của tôi không cần phải upload lên Gmail rồi share qua cho các đồng nghiệp nữa mà chỉ cần share các tài liệu vốn luôn có mặt trên Drive, đồng thời khi tôi đi in ấn tài liệu, tôi không cần lúc nào cũng kè kè bên chiếc USB vốn từng là vật “bất ly thân”.

Skydrive - tiền thân của OneDrive (Nguồn: Internet)

Sau đó, Microsoft cũng không thể đứng yên được. Mặc dù dịch vụ lưu trữ của Microsoft đã có mặt khá lâu, nhưng phải sau khi Google tung ra Google Drive, Microsoft mới có bước chuyển mình mạnh mẽ khi phổ biến OneDrive hơn (tiền thân là SkyDrive). Có thể coi cuộc chiến về lưu trữ online đã thực sự bùng nổ khi 2 người khổng lồ trong giới IT đã tung ra những con át chủ bài của mình. Tuy vậy, tôi vẫn có cảm tình với Google Drive hơn, bởi vì tài khoản Gmail của tôi được sử dụng thường xuyên hơn là tài khoản Hotmail, và tôi thực sự mệt mỏi khi phải quản lý quá nhiều tài khoản.

Sau Google và Microsoft, các người khổng lồ khác như Amazon hay gần nhất là Apple đều tung ra các “đám mây” của mình, tuy nhiên, thứ thật sự hữu dụng với tôi nhất đó là dịch vụ cũ-mà-mới của Yahoo, Flickr. Ta khó có thể gọi Flickr là một “đám mây” thực thụ, bởi vì nó chỉ giới hạn trong phạm vi lưu trữ hình ảnh và video clip mà không hỗ trợ bất kỳ dạng dữ liệu nào khác. Tuy nhiên, con số 1TB dung lượng lưu trữ miễn phí mà Yahoo đã “hào phóng” dành tặng cho tất cả tài khoản Flickr trong đợt “cải tổ” giao diện vào giữa năm 2013 thực sự khiến chúng ta phải kinh ngạc. Như đã nói ở trên, tôi từng tạo ra tới 10 tài khoản Gmail và khi Google Drive ra mắt, tôi đã cố gắng upload toàn bộ số ảnh quý giá của tôi lên mây. Nhưng với hơn 50GB hình ảnh, tôi đã phải quản lý tới vài tài khoản Google Drive chỉ với việc lưu trữ hình ảnh. Điều này thật quá khó khăn, và khi biết tới sự “hào phóng” mà Yahoo vừa tung ra, tôi lập tức biến tài khoản Flickr vốn đang chết dần chết mòn của tôi trở thành một ổ lưu trữ khổng lồ. Chỉ cần một đường truyền cáp quang, tôi đã không cần phải lo nghĩ gì tới việc lưu giữ hình ảnh của mình nữa. Chúng hoàn toàn an toàn trên đám mây của Yahoo.

Giao diện mới của Flickr và sự hào phóng của Yahoo (Ảnh: Internet)

Kết

Công nghệ điện toán đám mây chỉ sau vài năm bùng nổ đã thay đổi rất nhiều cách sử dụng máy tính của tôi. Từ việc lúc nào cũng phải kè kè bên cạnh chiếc USB, tôi hiện đã quên mất chiếc USB của mình nằm ở xó xỉnh nào rồi. Những khi quên béng tài liệu ở nhà, tôi chỉ cần mở chiếc iPad lên, vào app Google Drive và mở tài liệu của mình ngay trên chiếc iPad. Đúng như tên gọi của nó, điện toán đám mây đã đưa dữ liệu của chúng ta nằm vào một chỗ “lơ lửng” ngay trên đầu chúng ta, và khi cần chúng ta chỉ việc thò tay và lấy nó. Nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây chính là việc dữ liệu của chúng ta được các công ty công nghệ hàng đầu thế giới “cất giữ” dùm. Tôi đã từng có một kinh nghiệm đau thương khi toàn bộ số hình quý giá của tôi nằm trên ổ cứng bay mất sạch khi chiếc ổ cứng bị lỗi bad sector quá nặng. Mặc dù đã lấy lại được đa phần số hình đó, nhưng tôi đã phải tốn khá nhiều tiền cho sự bất cẩn đấy. Với Flickr, tôi không còn cần dùng giải pháp chép ra hàng chục đĩa DVD để lưu trữ hình ảnh nữa, vì tôi biết chúng an toàn với hệ thống máy chủ của Yahoo. Đó là câu chuyện của tôi và những đám mây công nghệ, còn câu chuyện của bạn thì sao?

Bài viết do REIC thực hiện. Những nhận định, đánh giá mang tính chất chia sẻ của tác giả.

Post a Comment